XÉT NGHIỆM ACID URIC TRONG CHẨN ĐOÁN BỆNH GOUT

Acid uric được tổng hợp chủ yếu tại gan, một lượng nhỏ được tổng hợp tại niêm mạc ruột, được đào thải ra khỏi cơ thể 80% qua đường nước tiểu và 20% qua đường tiêu hóa. Nếu quá trình tổng hợp và đào thải acid uric diễn ra cân bằng, lượng acid uric trong máu sẽ nằm trong giới hạn bình thường. Nếu lượng acid uric được tạo thành nhiều hoặc khả năng đào thải của thận giảm, lượng acid uric trong máu sẽ tăng lên và lắng đọng trong các khớp và mô mềm. 

1. Xét nghiệm acid uric để làm gì?

Xét nghiệm acid uric được thực hiện để chẩn đoán các bệnh lý gây biến đổi nồng độ acid uric trong cơ thể như trong nhiều rối loạn chức năng thận và rối loạn chuyển hóa, bao gồm suy thận, gout, bệnh bạch cầu, thiếu ăn hay các tình trạng suy kiệt khác, và ở bệnh nhân dùng các thuốc độc tế bào.

Bác sĩ chỉ định xét nghiệm acid uric trong các trường hợp:

  • Chẩn đoán gout khi bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng phù hợp. Xét nghiệm acid uric máu cũng được thực hiện theo định kỳ để theo dõi người gout trong quá trình điều trị.
  • Theo dõi chức năng thận sau một tổn thương, chẩn đoán các rối loạn chức năng thận hoặc tìm nguyên nhân sỏi thận.
  • Theo dõi bệnh nhân trước và sau khi điều trị ung thư bằng hóa trị, xạ trị để chắc chắn acid uric trong máu không tăng quá cao.

gout

2. Xét nghiệm acid uric máu được thực hiện như thế nào?

Xét nghiệm acid uric trong máu được thực hiện vào buổi sáng, bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi lấy máu ít nhất là 4 giờ đồng hồ, có thể uống nước lọc. Mẫu máu sẽ được cho vào ống nghiệm có chứa chất chống đông, ly tâm trước khi tiến hành phân tích. Thời gian xét nghiệm mất khoảng 1 giờ.

Chỉ số acid uric máu bình thường ở nam giới là 202-416 μmol/l, ở nữ giới là 143-399 μmol/l (nồng độ có thể thay đổi khác nhau tùy phòng xét nghiệm,loại hóa chất cũng như thiết bị sử dụng)

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy acid uric máu cao hơn so với giá trị thông thường, cơ thể bệnh nhân có thể đang sản xuất nhiều acid uric hoặc khả năng đào thải acid uric qua đường tiểu đang bị giảm. Các nguyên nhân gây tăng acid uric máu thường gặp là:

  • Chế độ ăn có quá nhiều chất đạm, hải sản, uống nhiều rượu bia.
  • Người bệnh có bất thường về enzym chuyển hóa, dễ bị rối loạn phóng thích axit uric qua đường tiểu
  • Người bệnh gout gây các đợt viêm khớp cấp tính.
  • Người bệnh có tang acid uric máu tiên phát (có đến 30% bệnh nhân gout thuộc loại vô căn)
  • Người bệnh mắc các bệnh lý ung thư như đa u tủy xương, ung thư di căn,...và/hoặc đang điều trị ung thư bằng các phương pháp như xạ trị, hóa trị. Các phương pháp này làm tăng hủy hoại tế bào, gây tăng acid uric máu.
  • Người bệnh bị suy thận, chức năng thận suy giảm sẽ làm giảm khả năng đào thải acid uric ra khỏi cơ thể.
  • Người bệnh tiểu đường, thiểu năng tuyến cận giáp hoặc tuyến giáp
  • Người bệnh béo phì hoặc do nhịn đói quá mức.

 

Do kết quả xét nghiệm acid uric máu có thể bị sai lệch khi bệnh nhân uống rượu, dùng các thuốc giảm đau như ibuprofen, aspirin, theophylin, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc ức chế men chuyển, corticoid, thuốc hoặc thực phẩm vitamin C,...Bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ tất cả các thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng, điều này sẽ giúp bác sĩ đánh giá xét nghiệm được chính xác hơn. Kết quả xét nghiệm acid uric sẽ giúp ích trong chẩn đoán, theo dõi điều trị cũng như điều chỉnh chế độ ăn uống. Khi phát hiện bệnh nhân có tình trạng tăng acid uric, cần hướng dẫn bệnh nhân uống nhiều nước, giảm ăn các thực phẩm giàu purin, tránh sử dụng bia rượu để dự phòng nguy cơ mắc các bệnh do tăng acid uric hoặc nặng hơn các bệnh hiện có.


Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Khoa học - Xét nghiệm Công nghệ cao Hợp Lực

Tin liên quan

Tin tức nổi bật

SÀNG LỌC UNG THƯ CỔ TỬ CUNG - ĐỪNG ĐỂ QUÁ MUỘN
UNG THƯ CỔ TỬ CUNG DIỄN BIẾN ÂM THẦM
CHUNG TAY ĐẨY LÙI UNG THƯ CỔ TỬ CUNG
DỊCH VỤ SÀNG LỌC UNG THƯ CỔ TỬ CUNG